Hiện nay, dịch vụ huấn luyện chó ngày càng phát triển mạnh mẽ và được nhiều người lựa chọn cho các em cún nhà mình. Vậy tại sao cần huấn luyện chó? Huấn luyện chó bao nhiêu tiền? Cùng tìm hiểu trong bài viết bên dưới nhé!
Sau sự việc chó Ngao Tây Tạng cắn chết người ở Hà Nội, chuyên gia huấn luyện đã chỉ ra những nguyên nhân trong phương pháp nuôi dạy chó của gia chủ.
Với các đặc tính thông minh, tình cảm, vẻ đẹp, đồng cảm và giúp được nhiều công việc cho loài người, con chó là con vật được con người yêu quý nhất, nhiều trường hợp được coi như thành viên trong gia đình, là người bạn tốt nhất của con người.
Tuy nhiên, trong thực tế có không ít trường hợp nuôi chó dẫn đến bi kịch bị chó cắn gây thương tích thậm chí thiệt mạng như trường hợp chó Ngao Tạng cắn chết người ở Hà Nội mới đây.
Qua tổng kết, các chuyên gia về chó hàng đầu trên thế giới đều chỉ ra rằng 100% trường hợp tai nạn như vậy xảy ra đều do lỗi của con người. Các lỗi đó được chỉ ra như sau:
Thiếu kiến thức tối thiểu về tâm sinh lý chó
- Chó là con vật có hệ thần kinh cao cấp, biết buồn, vui, giận hờn, ghen tỵ...như con người nên chúng ta không thể đối xử với chó như lợn, gà. Chúng ta cần phải đối xử với chó gần như với một con người thực sự: yêu quý, quan tâm, dạy dỗ đúng cách, nghiêm túc và khoa học. Đặc biệt, quá trình dạy dỗ chó phải nhất quán, không được nửa vời và nhất là phải có uy với nó.
- Về dinh dưỡng, chó là động vật ăn thịt, không ăn đạm thực vật, ít ăn rau, ăn nhạt hơn người và luôn cần nước sạch. Chú ý, chó đang tuổi lớn thức ăn phải đủ can xi và vitamin cần thiết, lượng thức ăn phải tăng dần cho đến khi chó hết tuổi lớn. Mặt khác, chủ không nên cho chó ăn thịt sống vừa không hợp vệ sinh, vừa tăng thêm tính hung dữ của chó.
- Chó chịu rét tốt hơn chịu nóng. Mùa hè chó hô hấp rất mạnh. Chuồng chó cần thoáng đãng nhưng phải đảm bảo không để nắng gay gắt chiếu vào hay gió lạnh lùa qua.
- Chó rất cần được vận động phù hợp, không nên nhốt trong cũi hoặc xích cổ liên tục.
- Chó cũng cần được gần gũi, tương tác với chủ. Hàng vạn năm nay chó nhà tiến hoá từ chó sói là vì nó luôn luôn được sống, vui chơi và làm việc cùng với con người. Vì vậy, chó đặc biệt thích được vui chơi giải trí, nhất là vui chơi với chủ. Những con chó ham chơi là những con chó có thần kinh năng động và rất thông minh.
- Chó có tính sở hữu rất cao. Biểu hiện của nó là sở hữu thức ăn, đồ chơi, lãnh thổ, kể cả sở hữu chủ (thể hiện ở sự trung thành). Nếu chủ không biết đặc điểm này sẽ không thể nuôi dạy con chó của mình tốt được.
- Ở các nước phát triển, những con chó không xác định làm giống thường bị thiến, nhất là đối với những giống chó dữ. Đây là việc làm rất khoa học, chó khoẻ mạnh hơn, an toàn hơn và không bị áp lực sinh lý bức xúc gây mất kiểm soát.
Chọn sai giống
Đây là vấn đề vô cùng quan trọng mà rất nhiều người mắc phải. Trong hơn 400 giống chó mà con người lai tạo ra, chúng khác nhau không chỉ về hình thức mà chúng còn khác nhau về nhiều đặc tính: thần kinh, sức mạnh, thói quen, năng lực làm việc, khả năng thích nghi môi trường...
Các giống chó có những ưu điểm và khuyết điểm không giống nhau. Nhiều giống chó được lai tạo để thực hiện một công việc, một mục đích nhất định của con người nên nó cũng đòi hỏi được nuôi dưỡng, sinh hoạt trong những môi trường phù hợp tâm sinh lý riêng của chúng.
Thực tế ở Việt Nam, rất nhiều người chỉ nuôi giống chó mà mình thích, không quan tâm đến việc nó có thích nghi, phù hợp với điều kiện, môi trường và không gian sống của chủ hay không.
Ví dụ, con chó đòi hỏi phải được vận động cường độ cao như các loại chó săn lớn, chó làm việc, chó dữ (Phú Quốc, Xoáy Thái, Doberman, Greadane, Malinois, Béc giê Đức, Ngao Tạng…) lại ở nhà chật hẹp, đông người, nhiều trẻ con hiếu động…thì rất nguy hiểm.
Ở các nước phát triển, muốn nuôi chó người ta thường hỏi tư vấn chuyên nghiệp xem nên nuôi giống chó nào, nuôi thế nào cho tốt nhất…Thậm chí, một số nơi còn có những quy định về không gian tối thiểu cho một số giống chó mà nếu người chủ không thực hiện được sẽ bị phạt nặng và không được nuôi.
Chọn sai tuổi
Nuôi một con chó từ nhỏ đương nhiên cũng có một số khó khăn nhưng sẽ là vô cùng cần thiết, vô cùng đúng đắn nếu đó là những con chó giống dữ. Nuôi từ nhỏ ta sẽ dễ dàng tạo được mối quan hệ gần gũi thân thiện vì lúc đó, tính hung dữ của chó chưa phát triển. Chó sẽ có thói quen phục tùng chủ và gia đình, chủ và chó hiểu nhau hơn, chủ dễ dạy dỗ, giáo dục chó hơn.
Nếu mua con chó đã lớn tuổi (1 năm trở lên) và là giống chó dữ sẽ rất nguy hiểm. Nó sẽ khó bị chủ mới khuất phục, nghe theo. Thậm chí, con chó đó có vấn đề về sức khoẻ, về thần kinh không khắc phục được nên mới bị chủ cũ bán đi khi đã lớn.
Dạy sai cách
Người chủ chiều chó gần như vô điều kiện hoặc quá nghiêm khắc và thô bạo đối với chó đều nhận được các hậu quả tiêu cực. Nhiều trường hợp do giáo dục sai cách khiến chó hiểu sai vị trí của nó trong gia đình, không tôn trọng chủ là nguyên nhân dẫn đến việc cắn chủ sau này.
Không đủ điều kiện nuôi
Người nuôi không có kỹ năng và kiến thức tối thiểu để hiểu và nuôi dạy chó con chó của mình; không đủ điều kiện kinh tế để nuôi dưỡng chăm sóc chó; không có đủ cơ sở hạ tầng tối thiểu để nuôi dưỡng chó; nuôi chó luộm thuộm, mất vệ sinh. Đặc biệt là người nuôi không có thời gian để gần gũi chăm sóc chó. Nếu không đủ điều kiện như vậy mà vẫn nuôi chó thì khó có con chó nào có thể yêu quý tuyệt đối trung thành với chủ, nhất là đối với những giống chó dữ.
Để tránh hiện tượng chó cắn chủ, người nuôi chó cần lưu ý một số khuyến cáo sau đây:
- Nếu nuôi chó tại gia đình, nên nuôi chó từ nhỏ. Hết sức hạn chế nuôi chó đã trưởng thành, nhất là các giống chó dữ.
- Không nên nuôi nhiều chó dữ trong gia đình nếu không phải là kinh doanh chuyên nghiệp.
- Nuôi dạy chó đúng cách: Hết mực yêu thương nhưng cũng hết sức nghiêm khắc, cho con chó thấy nó được yêu quý, nhưng cũng không được phép làm những việc sai trái, phải tuyệt đối tuân theo mệnh lệnh của chủ. Chủ luôn luôn là chủ, chó chỉ là “cấp dưới”.
- Tuyệt đối không cho phép chó dọa hoặc cắn chủ ngay từ nhỏ. Muốn vậy, mệnh lệnh của chủ phải rõ ràng, nghiêm túc, nhất quán (trước sau như một, không thể lúc thế này, lúc thế khác…). Chủ chó phải tạo được uy quyền tuyệt đối trước con chó của mình.
- Những giống chó dữ phải cho đi học ở những trung tâm huấn luyện có uy tín. Ở nước ngoài, đây là điều bắt buộc.
- Phải có những kỹ năng kiểm soát được những giống chó dữ, tuân theo những quy định nêu ở trên.
- Cần thiết phải sử dụng một số biện pháp để khống chế (rọ mõm, dây cương cổ dề kỷ luật, vòng cổ xung điện…). Hoặc như ở Mỹ, hầu hết những con chó không làm giống đều bị thiến, chó sẽ khỏe hơn, an toàn hơn mà cũng không giảm độ thông minh như nhiều người đồn thổi.
- Một số con chó có tính khí côn đồ, hung dữ, dạy bảo không được thì phải kiên quyết thải loại, không thể để xảy ra những tai nạn đáng tiếc.
- Tuyệt đối không được khuyến khích chó cắn bừa bãi, vô cớ, tạo cho chó những thói quen xấu nguy hiểm.
- Trường hợp mua về những con chó đã trưởng thành phải tìm hiểu kỹ: Tại sao họ bán? Tính năng tác dụng, những yếu tố tích cực cũng như tiêu cực của giống chó này; Mục đích nuôi chó của mình; Điều kiện nuôi dưỡng, quản lý chó có đủ hay không…
Từ khi đất nước mở cửa, nhiều giống chó quý được nhập khẩu dễ dàng vào Việt Nam góp phần vào nâng cao tính đa dạng, chất lượng đàn chó, nhiều trường hợp đóng góp nhất định vào công tác An ninh – Quốc phòng, đáp ứng các nhu cầu sử dụng và giải trí của xã hội.
Tuy nhiên, để có thể phát huy được tốt mặt tích cực, hạn chế tiêu cực đòi hỏi người nuôi phải có những kiến thức và điều kiện nuôi dưỡng, quản lý, dạy dỗ… cần thiết. Có những sai lầm lớn mà khó có thể sửa chữa thì tuyệt đối tránh.